M.U - Arsenal là trận đấu của Mourinho, không phải Pogba
Jose Mourinho chưa bao giờ thua Arsene Wenger ở Premier League hoặc FA Cup. Đã vậy, cuộc quyết đấu M.U - Arsenal ở Premier League cuối tuần này lại diễn ra trên sân nhà Old Trafford của Quỷ đỏ.
Tất cả dẫn đến dự đoán rằng M.U sẽ giữ bóng và tấn công nhiêu hơn, sẽ đá để thắng chứ không cầu hòa? Vế sau thì hẳn nhiên rồi, nhưng vế đầu thì không. Mặt khác, “đá để thắng” và “giữ bóng, tấn công nhiều” đôi khi là những việc chẳng liên quan gì với nhau.
Về chuyên môn, cái lợi lớn nhất từ ưu thế sân nhà là đội chủ nhà dễ dàng áp đặt lối chơi. Sân bãi quen thuộc đã đành, đội chủ nhà còn luôn biết rõ khán giả của họ chờ đợi những gì, và họ sẽ tự tin thể hiện những điều khán giả chờ đợi, trong sự cổ vũ cuồng nhiệt - đây là điều chắc chắn rồi. Xin được lưu ý: đá “cho khán giả nhà” chứ không phải đá cho giới hâm mộ trung lập, các quan sát viên, giới bình luận.
Khác biệt chỗ nào? Hãy nhớ lại cụm từ “xe bus 2 tầng” mà giới quan sát trung lập gán cho Chelsea khi đội này thi đấu cực kỳ thành công dưới sự dẫn dắt của Mourinho. Không hay, không hấp dẫn, thậm chí có thể gọi đấy là cách chơi “bần tiện”? Mặc kệ, đấy không phải là vấn đề của giới hâm mộ tại Stamford Bridge.
Thật ra, Mourinho (cũng như bất cứ đồng nghiệp nào của ông) có đủ bài bản khác nhau, cho mọi lối chơi khác nhau, trong những hoàn cảnh khác nhau. Ở vòng đấu gần đây nhất, M.U giữ bóng khá nhiều, và thắng thuyết phục trên sân Swansea. Nhưng điều đó không làm thay đổi một trong những đặc điểm rõ rệt nhất của Mourinho, là ông luôn chủ trương giữ bóng thật ít, nhất là trong các trận đấu quan trọng.
Ở Premier League mùa này, M.U giữ bóng “đến” 56% và thảm bại 0-4 trên sân Chelsea; giữ bóng 40% và thua 1-2 trong trận derby Manchester; “chỉ” giữ bóng 35% và hòa 0-0 trong trận “derby nước Anh”, trên sân Liverpool. Nghĩa là M.U càng giữ bóng nhiều thì càng thất bại đậm? Đây không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Một khi đã mở tỷ số ngay trong phút đầu và coi như an toàn với bàn thứ hai ở phút 21, thì Chelsea không cần tấn công M.U làm gì nữa. Đấy là lý do vì sao M.U tuy phải làm khách tại Stamford Bridge nhưng lại giữ bóng nhiều hơn. Giữ bóng, và... không biết làm gì với quả bóng trong chân.
Thứ nhất, đã có câu nói quen thuộc: “Giữ bóng nhiều thì mất bóng nhiều”. Mà trong bóng đá đỉnh cao, người ta rất dễ bị trừng phạt khi bất ngờ mất bóng. Thứ hai, về mặt lý thuyết thì việc phải làm khi không có bóng luôn dễ hơn việc phải làm khi có bóng. Đấy là lý do vì sao Mourinho luôn muốn đội mình giữ bóng ít. Trong những trận đấu lớn, Mourinho luôn muốn bài bản, kế hoạch của mình được thực thi, bằng kỷ luật chiến thuật ở mức cao nhất.
Điều đó đi ngược với những cái hay, cái lợi đến từ tài năng cá nhân hoặc phẩm chất sáng tạo của các cầu thủ trên sân. Trên lý thuyết, Paul Pogba là tài năng lớn nhất mà M.U có thể trông cậy vào lúc này. Nhưng Pogba chỉ tỏa sáng với hai điều kiện. Một là môi trường bóng đá có tốc độ chậm, như Serie A hoặc Europa League. Hai là anh phải có sự tự do cần thiết. Pogba muốn đứng ở đâu, di chuyển thế nào, làm gì với quả bóng trong chân, tất cả đều phải do anh quyết định. Và, rõ ràng nhất, Pogba chỉ có thể tỏa sáng... với quả bóng trong chân.
Đừng chờ đợi nhiều nơi Pogba trong cuộc quyết đấu M.U - Arsenal. M.U có thể thắng hoặc thua, nhưng đấy phải là trận đấu của Mourinho, không phải của Pogba!